Tháng 6 năm 2021, Văn phòng dự án tổ chức Zhi Shan Foundation phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng và Trung tâm công tác xã hội – Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đề án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế” với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Nội dung hỗ trợ gồm Tổ chức khám sàng lọc, tầm soát trẻ khuyết tật; Tầm soát trẻ sơ sinh có dấu hiệu khuyết tật; Xây dựng thư viện đồ chơi dành cho trẻ khuyết tật; Hỗ trợ tiền xe cho trẻ khuyết tật thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số; Hỗ trợ mua dụng cụ chỉnh hình cho trẻ khuyết tật thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số;
Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế mỗi năm tiếp nhận điều trị vật lí trị liệu cho khoảng 480 trẻ khuyết tật từ sơ sinh đến 18 tuổi trên toàn tỉnh. Phần lớn các cháu bị bại não, chậm phát triển, não úng thủy, đa dị tật. Tập luyện phục hồi chức năng và vật lí trị liệu đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết đối với trẻ khuyết tật. Nếu nội dung phục hồi chức năng được thiết kế lồng ghép giữa vui chơi, tập luyện và được triển khai thực hiện tốt sẽ tác động tích cực đến quá trình phục hồi và giúp tăng nhanh năng lực hòa nhập cộng đồng của trẻ.
Sau một tháng phối hợp triển khai công việc theo kế hoạch, ngày 15/7/2021, Văn phòng dự án Zhi Shan Foundation đã phối hợp với bệnh viện và các đối tác tổ chức buổi lễ khánh thành và bàn giao thư viện đồ chơi dành cho trẻ khuyết tật. Đồ chơi trong thư viện sẽ được bố trí thành 03 khu vực theo các lĩnh vực phục hồi chức năng: vận động trị liệu; hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu.Với số lượng đồ chơi khá phong phú, mô hình thư viện đồ chơi này sẽ giúp trẻ từ một tuổi trở lên phát triển về các lĩnh vực gồm nhận thức (tập bắt chước, bắt đầu phát triển các mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả), vận động tinh (cầm nắm và thả đồ vật chính xác hơn, bắt đầu biết kéo và đẩy hoặc xoay và vặn), vận động thô (biết giữ thăng bằng hoặc đứng vững, bắt đầu tập đi), cảm xúc xã hội (bắt đầu tách khỏi người chăm sóc hàng ngày trong một khoảng thời gian ngắn nhưng vẫn thích được quan tâm, thích khám phá và chơi trò mạo hiểm), giao tiếp (bắt đầu nói những từ đơn giản, bắt đầu hiểu được ngôn từ đơn giản)…
Mong muốn lớn nhất của những người thực hiện mô hình “Thư viện đồ chơi dành cho trẻ khuyết tật” đó là đem đến sự thay đổi tích cực và đạt hiệu quả cao cho trẻ đang điều trị và tập luyện ở Bệnh viện, nhằm góp phần nâng đỡ những trẻ em bị thiệt thòi, cải thiện khuyết tật và mang lại nụ cười trọn vẹn cho các em.