Giới thiệu về dự án

Trường cũ

Giáo dục mầm non là tiền đề của giáo dục. Trẻ được tiếp cận với giáo dục mầm non càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của các giaiđoạn tiếp theo, nhất là đến 5 tuổi là giai đoạn phát triển có tính chất quyết định để tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ trong tương lai. Những năm gần đây, chính quyền địa phương và ngành giáo dục ngày càng quan tâm hơn đến ngành học mầm non tuy nhiên ngân sách dành cho ngành học này vẫn còn hạn chế, vì thế cơ sở vật chất, điều kiện dạy và chăm sóc của ngành giáo dục mầm non ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trường cũ

Năm 2004, Zhi Shan đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất của một số địa phương trên địa bàn huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua quá trình thăm thực tế, chúng tôi phát hiện ở nơi đây hệ giáo dục mầm non vẫn là dân lập. Đại đa số lớp học đều nhỏ lẻ, sử dụng hoặc mượn tạm các cơ sở cũ như trung tâm học tập cộng đồng thôn, trường tiểu học cũ, nhà thờ, nhà dân…, Về diện tích, ánh sáng độ an toàn, vệ sinh đều chưa đạt chuẩn cơ bản, thậm chí một số cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho học sinh. Chính vì vậy, tỷ lệ trẻ đến trường chưa cao, chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ vẫn còn nhiều hạn chế.

Ước mơ của các giáo viên là có một ngôi trường mầm non theo đúng nghĩa của nó để các cháu có nơi để học, để vui chơi, ước muốn của các bậc phụ huynh là được gửi con vào trường mầm non để có nhiều thời gian đi làm song vẫn chưa được trở thành hiện thực.

Đó là lý do giúp chúng tôi thiết lập và hình thành nên dự án Hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho các vùng quê nghèo.

NIỀM VUI TỪ NHỮNG NGÔI TRƯỜNG MỚI

Ngôi trường trong mơ

Năm 2004, ngôi trường mới với 3 phòng học, nhà bếp, cải tạo thêm phòng ăn và phòng ngủ tại thôn Nam Dương, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được hoàn thành và đưa vào sử dụng với niềm tự hào và hạnh phúc của cô trò tại thôn nghèo nơi này. Thế là từ đó, các cháu không còn phải học ở các cơ sở tạm bợ nữa, không phải di chuyển chỗ ngồi khi mùa mưa đến, sẽ không còn hiện tượng ngồi cùng lớp với các em quá nhỏ, hay các anh chị quá lớn hơn mình, các cháu được học trong một ngôi trường khang, sạch sẽ, thoáng mát, được ăn bán trú ở trường, được ngủ tại trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng chăm sóc. Người vui hơn cả, chính lại là những bậc phụ huynh khi hằng ngày họ lại được nhìn thấy con em của mình lớn lên từ những ngôi trường này.

Trẻ học tại lớp mới

Sau 15 năm thực hiện trên phạm vi 9 xã, phường khó khăn  của hai huyện Quảng Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế; 3 xã của ba huyện Cam Lộ, Gio Linh và Hải Lăng tỉnh Quảng Trị; 1 xã của huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Dự án đã hoàn thành xây dựng 21 trường mầm non bán trú có quy mô khác nhau với 61 phòng học, 13 phòng làm việc của giáo viên, 17 bếp ăn và khu vệ sinh khép kín, các trường mầm non này còn được hỗ trợ trang thiết bị bán trú, đồ dùng đồ chơi, sách truyện các loại … Hằng năm mỗi trường mầm non đã thu nhận từ 60-120 trẻ, tỉ lệ trẻ đến trường trong khu vực triển khai dự án luôn luôn đạt tối đa (gần 100%) và cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Những ngôi trường mới chính là món quà thật ý nghĩa dành cho các cả cô và cháu khi lần lượt các mùa khai giảng năm học mới bắt đầu.

 

CÙNG EM KHÔN LỚN

Hỗ trợ ăn bán trú cho 1800 cháu dân tộc thiểu số Đakrông

Việt Nam là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình và chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, hạn hán, lũ lụt, vì thế mà tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam hiện nay rất cao (30%). Các điểm trường mà dự án khảo sát, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều (tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của các trường mầm non Đakrông huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị trên 70%). Chúng tôi luôn ý thức rõ vai trò của chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi mầm non quan trọng thế nào để đảm bảo cho các bé phát triển một cách toàn diện. Mục tiêu cơ bản của dự án là  xây dựng mô hình ăn bán trú cho các cháu dân tộc thiểu số tại các trường mầm non. Chính vì vậy, cuối năm 2010, dự án thí điểm hỗ trợ kinh phí ăn bán trú cho 543 cháu của 3 trường mầm non thuộc huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Đến nay, toàn bộ 1.765 cháu vùng dân tộc thiểu số của 7 trường mầm non Hướng Hiệp, Mò Ó, Đakrông 1,2, Pa Nang, Húc Nghì và Tà Long tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã được ăn bán trú tại trường. Nếu trước đây, sau mỗi mùa khai trường, các bậc cha mẹ học sinh, giáo viên còn nhiều lo lắng, trăn trở khi đưa con đến trường trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và chăm sóc không được cải thiện, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chiếm rất cao, tỷ lệ trẻ đi học 2 buổi/ ngày thấp (khoảng 30%) thì trong những năm trở lại đây đã được thay thế bằng niềm tin vững chắc. Đó là sự hỗ trợ thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của các bậc phụ huynh và nhu cầu của trẻ thơ nên được lãnh đạo địa phương, nhà trường và các bậc phụ huynh đồng tình hưởng ứng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các giáo viên nơi đây ngoài việc lên lớp, còn tình nguyện làm cán bộ cấp dưỡng để nấu cơm trưa, phụ huynh đồng tình nộp thêm gạo củi, lãnh đạo địa phương thường xuyên thăm hỏi động viên. Đến nay, sau 10 mùa khai giảng, mô hình bán trú của các trường mầm non ở vùng miền núi nghèo Đakrông đã dần đi vào ổn định, góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ đi học 2 buổi/ ngày gần như đạt 100%, và đặc biệt là tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vào cuối năm cũng đã giảm đáng kể (nếu đầu năm là 50% thì cuối năm giảm xuống còn 20%).

Uống sữa đậu nành

Bên cạnh các bữa ăn tại trường thì sữa cũng là thực phẩm mà chúng tôi đặc biệt quan tâm. Với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn với các bậc phụ huynh, góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, bắt đầu từ năm 2009 dự án đã hỗ trợ uống sữa đậu nành cho các cháu trên địa bàn huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hằng năm đều có hơn 4.000 cháu của 18 trường mầm non trên địa bàn huyện Quảng Điền và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị hưởng lợi. Qua một thời gian triển khai, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm đáng kể, phụ huynh hài lòng khi con được học tại các trường này.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC

Tập huấn giáo viên

Nếu có dịp tìm hiểu về ngành học mầm non, mới thấu hiểu sự vất vả của các cô giáo. Ngày làm việc trên 10 tiếng, với nhiều vai trò vừa cô vừa mẹ, vừa là bảo mẫu. Chế độ cho giáo viên tuy đã có cải thiện, nhưng so với mặt bằng chung thì còn hạn chế lắm. Chương trình hàng năm luôn cập nhật đổi mới, giáo viên rất ít có cơ hội tham gia các lớp tập huấn. Với mong muốn góp một phần nhỏ vào việc giúp các giáo viên được tham gia lớp tập huấn, hằng năm, dự án phối hợp với phòng giáo dục- đào tạo các huyện tổ chức lớp tập huấn 6 ngày với các chuyên đề khác nhau. Sau 15 năm triển khai, có 400 cán bộ giáo viên của các địa phương được tham gia tập huấn, trợ cấp thêm một phần lương cho các cán bộ cấp dưỡng giúp họ giảm bớt khó khăn và nâng cao được tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Hoạt động của bé tại thư viện đồ chơi

Mô hình Thư viện đồ chơi cho các trường mầm non là một mô hình mới lạ, và hiệu quả trong việc hỗ trợ giảng dạy, giúp trang bị cho trẻ những kỹ năng, kiến thức cơ bản cho cuộc sống sau này và trước hết là có một tuổi thơ được vui đùa bổ ích. Thông qua các hoạt động vui chơi, trẻ em không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn kích thích tư duy và nhận thức sáng tạo. Bắt đầu từ năm 2017, tổ chức Zhi Shan thí điểm thành công mô hình thư viện đồ chơi cho trường mầm non Bình Minh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay đã xây dựng thành công 8 thư viện đồ chơi cho trẻ tại 8 trường mầm non thuộc huyện Phú Lộc, Quảng Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế, và huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.. Hoạt động này đã nhận được sự đánh giá cao của đối tác và đơn vị hưởng lợi.

HỢP TÁC CỞI MỞ MANG LẠI HIỆU QUẢ CAO

Ký kết hợp tác

Trong quá trình triển khai dự án, mô hình hợp tác đa phương, trong đó địa phương (Qũy Bảo trợ trẻ em Tỉnh, UBND huyện, Phòng giáo dục và đào tạo, các trường mầm non….) đóng vai trò khá quan trọng, như tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến, cung cấp đất và kinh phí xây dựng (25-30%). Sự thành công của dự án là ngoài hỗ trợ kinh phí, đã tranh thủ được nhiều nguồn lực để sự hỗ trợ có chiều sâu và đạt được hiệu quả như mong đợi. Phương pháp làm việc của dự án khá cởi mở, công khai và luôn luôn tôn trọng ý kiến đóng góp của những người hưởng lợi.

Dự án mầm non có được những thành công như ngày hôm nay là cả một quá trình nổ lực của tổ chức, sự tin tưởng của nhà tài trợ Đài Loan, sự chỉ đạo tận tình của lãnh đạo tổ chức Zhi Shan, sự đóng góp công sức của đơn vị đối tác, cùng chung tay để đem lại nhiều niềm vui cho giáo viên, học sinh và phụ huynh của vùng quê nghèo. Cuối cùng Dự án xin chân thành cảm ơn những tấm lòng hảo tâm của các nhà tài trợ Đài Loan, đơn vị đối tác và những người hưởng lợi. Hy vọng trong tương lai, dự án sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ liên tục, ổn định cho nhiều trẻ em nghèo.

Mọi thông tin chi tiết về dự án xin vui lòng liên hệ cô Lê Thị Nhược Đoan – Cán bộ phụ trách “Dự án hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non” – Tổ chức Zhi Shan Foundation tại Việt Nam, 45 Phan Đình Phùng – thành phố Huế, Điện thoại: 0234.3829136, Email: nhuocdoan@zhi-shan.org.