baoquangtri.vn – Chung tay nâng bước học sinh vùng khó đến trường

(QTO) – Những năm qua, công tác chăm lo cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông được các cấp, các ngành, chương trình, dự án quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức thiết thực và ý nghĩa. Trong đó, Dự án “Hỗ trợ ăn bán trú cho trẻ em mầm non” huyện Đakrông của Tổ chức Zhi Shan Foundation Taiwan được đánh giá là một trong những dự án hiệu quả, góp sức cùng địa phương nâng bước học sinh vùng khó đến trường.

Một bữa ăn bán trú của học sinh điểm trường Chân Rò, Trường Mầm non Đakrông 1. Ảnh: KKS

Sau một thời gian dài nghỉ học phòng, chống COVID-19, từ ngày 4/5/2020 học sinh ở điểm trường Chân Rò thuộc Trường Mầm non Đakrông 1, xã Đakrông lại được đến trường học tập và vui chơi. Đặc biệt, vào các bữa trưa và bữa xế, các cháu được nhân viên cấp dưỡng và giáo viên chuẩn bị những món ăn giàu chất dinh dưỡng, sữa đậu nành do Tổ chức Zhi Shan Foundation Taiwan hỗ trợ. Việc được ăn, uống ngon, đủ chất, dạy dỗ chu đáo nhiều năm qua tại điểm trường này nói riêng và các trường học khác trong vùng dự án trên địa bàn huyện nói chung đã giúp cho phụ huynh yên tâm hơn khi hằng ngày gửi con đến lớp để lên nương rẫy lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Nhằm động viên học sinh mầm non và gia đình các cháu vượt qua khó khăn do COVID-19, mới đây Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi Shan Foundation Taiwan quyết định trích 1 tháng kinh phí bán trú (phần không dùng tới do nghỉ dịch mà dự án tài trợ thường xuyên) để hỗ trợ gần 1.800 suất quà có tổng trị giá 200 triệu đồng cho các cháu và gia đình, mỗi suất quà gồm 5 kg gạo, sữa và bữa ăn dinh dưỡng. Riêng bữa ăn dinh dưỡng gồm những món mà trước đây ở nhà các cháu ít khi được ăn như mì gối ăn kèm với sữa, bún bò, chả, trứng, nấm…

Chị Hồ Thị Ma Ri, mẹ của cháu Hồ Thị Khim, lớp mẫu giáo lớn điểm trường mầm non Chân Rò chia sẻ: “Trước đây khi nhà trường chưa tổ chức bữa ăn bán trú, người dân trong thôn phải đem theo cơm, thức ăn cho các con trong các vật dụng thô sơ để ở lại buổi trưa. Do gia đình chúng tôi khó khăn nên chủ yếu đem theo cơm trắng, muối ớt, rau, thỉnh thoảng mới có cá, thịt, trứng cho con. Chúng tôi cũng không biết cách chế biến thức ăn ngon, phù hợp cho trẻ nên các cháu rất lười ăn, khó tăng cân được. Nhờ có dự án hỗ trợ, ngày nào về nhà con tôi cũng kể được ăn những món ngon và tỏ ra rất thích thú. Được ăn uống điều độ nên con tôi tăng cân, nhanh nhẹn hẳn. Vì vậy, tôi và người dân nơi đây rất yên tâm khi gửi con đến trường học”.

Dự án “Hỗ trợ ăn bán trú cho trẻ em mầm non” huyện Đakrông được triển khai vào năm 2010. Qua khảo sát, dự án nhận thấy tuy có sự quan tâm đầu tư của nhà nước nhưng nhiều trường mầm non ở Đakrông vẫn thiếu lớp học, cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị dạy và học còn thiếu thốn, thiếu cán bộ cấp dưỡng; vẫn còn nhiều trường học mầm non có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao; tỉ lệ trẻ học hai buổi trên ngày rất thấp, nhiều cháu buổi trưa về nhà phải đi lang thang vì bố mẹ lên rẫy, buổi chiều không quay lại trường học… Bên cạnh đó, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Trước thực trạng đó, dự án đã làm việc với các cấp, các ngành, địa phương và trường học được chọn hỗ trợ để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ mầm non. Từ một vài điểm trường mầm non được chọn tổ chức hỗ trợ thí điểm bữa ăn bán trú với vài chục học sinh, đến nay dự án phát triển lên đến 7 trường mầm non thuộc 6 xã: Hướng Hiệp, Đakrông (2 trường), Ba Nang, Mò Ó, Húc Nghì và Tà Long.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Đakrông 1 (vừa chuyển đến nhận công tác tại Trường Mầm non Hướng Hiệp), cho biết: “Trước đây, khó khăn lớn nhất của nhà trường là không đủ điều kiện để tổ chức bữa ăn bán trú tại lớp cho học sinh. Bên cạnh đó, điều kiện sống của người dân còn thấp, chế độ dinh dưỡng của trẻ hạn chế, trẻ thường ăn chung với gia đình, mỗi ngày chỉ được ăn 2 bữa chủ yếu cơm trắng và muối ớt. Vì vậy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng rất cao (khoảng 75% vào đầu mỗi năm học); tỉ lệ trẻ chuyên cần chỉ 30- 40%. Từ khi có dự án hỗ trợ, chỉ một thời gian ngắn học sinh đã quen và rất thích thú với bữa ăn bán trú tại trường. Ở lại bán trú, các cháu được cô giáo chăm sóc chu đáo từ vệ sinh, bữa ăn đến giấc ngủ trưa, rồi bữa xế bằng trái cây, bánh và sữa đậu nành. Nhờ vậy, cháu nào cũng sạch sẽ, mạnh khỏe và phát triển về chiều cao, cân nặng. Nhiều phụ huynh phấn khởi vì thấy con mình đến trường được phát triển toàn diện hơn nên sẵn sàng góp củi, góp gạo, xách nước, phụ giáo viên một số việc vặt trong thời gian nấu ăn trưa cho trẻ”.

Ngoài việc hỗ trợ về kinh phí chăm sóc nuôi dưỡng trẻ (bữa ăn dinh dưỡng, sữa đậu nành, trang thiết bị bán trú, xây dựng bếp ăn bán trú), hằng năm dự án còn vận động nguồn để tặng áo quần, giày dép, trao học bổng cho học sinh vượt khó, hỗ trợ cho trẻ phẫu thuật chỉnh hình, hỗ trợ gia đình học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lợp mái nhà, hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ giáo viên…tại huyện với tổng kinh phí khoảng 15 tỉ đồng. Trong đó, hiệu quả rõ nét nhất của dự án là chương trình bán trú đã góp phần giúp tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các trường giảm từ 60-70% năm 2010 xuống còn 20% cuối năm 2019; 100% trẻ ở các trường học vùng dự án được học 2 buổi/ngày, tỉ lệ trẻ chuyên cần đạt trên 90%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho biết: “Dự án “Hỗ trợ ăn bán trú cho trẻ em mầm non” huyện Đakrông rất quan tâm đến vấn đề cải thiện dinh dưỡng cho trẻ mầm non, hỗ trợ cơ sở vật bếp ăn, học bổng…góp phần giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tăng tỉ lệ học sinh chuyên cần đến lớp, giúp huyện thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương. Đây là sự nỗ lực lớn của nhà trường, phụ huynh và sự hỗ trợ tích cực của dự án. Huyện mong muốn thời gian tới, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm đồng hành cùng địa phương trong công tác giáo dục, nhất là hỗ trợ thực hiện bữa ăn bán trú”.

Có thể nói, dự án đã tạo động lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên giáo dục ở địa phương có thêm động lực yêu nghề, bám trường, bám lớp dù công tác ở vùng khó trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phát huy vai trò của gia đình quan tâm đầu tư vì tương lai của con trẻ.

Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi Shan Foundation Taiwan Hoàng Trọng Thủy cho biết: “Chúng tôi rất vui vì được đồng hành cùng địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Dự án “Hỗ trợ ăn bán trú cho trẻ em mầm non” trong 10 năm qua. Đặc biệt, ngành giáo dục huyện, cụ thể là các trường mầm non thuộc vùng dự án đã phối hợp tích cực trong việc chú trọng nâng cao chất lượng bữa cho trẻ bán trú. Nhờ vậy đã giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cả thể thấp còi lẫn cân nặng rõ rệt qua từng năm; góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của phụ huynh trong nuôi dạy con trẻ… Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, kêu gọi các nguồn tài trợ để duy trì, nhân rộng mô hình này tại huyện Đakrông trong thời gian tới theo hướng giúp các trường học từng bước tự lập và tiến tới bàn giao hoàn toàn hoạt động này”.

Kô Kăn Sương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *