Thư viện của bé, sách cũng là đồ chơi
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực đọc là nền tảng của việc học, vì thế gia đình và nhà trường nên nuôi dưỡng hứng thú đọc của trẻ càng sớm càng tốt, qua đó có thể giúp trẻ hình thành thói quen đọc. Trẻ có năng lực đọc tốt có quan hệ mật thiết với học hành sau này của trẻ.
Trên cở sở hiện trạng trẻ em một số vùng nông thôn thiếu sân chơi an toàn và có tính giáo dục cao. Bên cạnh đó, nguy cơ nghiện và tác hại của việc trẻ tiếp xúc quá nhiều với điện thoại thông minh, tivi, mạng xã hội khiến cho nhiều bậc phụ huynh và nhà trường lo lắng. Trong khi đó, các trường học đang thiếu các trang thiết bị phục cho các chủ đề giáo dục.
Tổ chức Zhi Shan Foundation đã triển khai dự án “Mô hình thư viện của bé”. Dự án đã được tổ chức này thực hiện thí điểm từ năm 2017 đến nay và đã triển khai tại 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Nghệ An với 16 mô hình thư viện.
Một mô hình thư viện của bé được khánh thành tại miền trung. Ảnh: T.T
Với tinh thần “Học bằng chơi, chơi mà học”, mô hình “Thư viện của bé” giúp các trường kiến tạo môi trường giáo dục hiện đại, thân thiện và hiệu quả. Với mô hình này sẽ giúp các em rèn luyện tính kiên trì, khả năng tập trung, làm việc nhóm; Kính thích phát triển trí tuệ logic, khả năng suy luận; Tăng cường khả năng liên kết các sự vật, hiện tượng; Đồng thời kích thích khả năng sáng tạo, khả năng nghệ thuật, hội họa; Tăng cường khả năng giao tiếp ở các em. Qua đó gia tăng tình cảm giữa học sinh, gia đình, cô giáo…
Dự án “Mô hình thư viện của bé” do tổ chức Zhi Shan Foundation tài trợ được thiết kế dựa trên các căn cứ 9 chủ đề của giáo dục mầm non, các đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu, sở thích của trẻ. Giúp các em học bằng chơi, chơi mà học, đảm bảo an toàn, thân thiện và có tính giáo dục cao.
Thư viện sẽ là nơi giúp các em bồi dưỡng thái độ tích cực, phẩm chất tốt cho trẻ. Từ đó, rèn luyện cho các em ý thức kỷ luật, đoàn kết, làm việc nhóm, đức tính, phẩm chất đạo đức, dẫn lối cho trẻ đam mê khám phá.
Qua hoạt động vui chơi và môi trường thư viện, sách sẽ giúp các em phát triển nhận thức; Khuyến khích các em yêu thích tìm hiểu, khám phá mọi thứ xung quanh; Giúp các em quan sát, đánh giá, ghi nhớ và diễn đạt suy nghĩ bằng những ngôn ngữ, câu nói đơn giản. Qua đó, hình thành những hiểu biết ban đầu về các sự vật, hiện tượng, về bản thân các em.
Không những thế, hoạt động thư viện của bé sẽ giúp các em phát triển ngôn ngữ; Gia tăng từ ngữ, khả năng nghe, hiểu; Dẫn dắt trẻ đến với thế giới sách; Hồn nhiên trong giao tiếp; Phát triển tình cảm, thẩm mỹ và kĩ năng xã hội; Có ý thức về bản thân, giao tiếp mạnh dạn với mọi người; Có khả năng cảm nhận và diễn tả cảm xúc với con người, sự vật.
Thư viện của bé được thiết kế linh hoạt phong phú dựa trên tình hình thực tế của các trường học
Tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, chương trình đã khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế tại các trường học. Ban tổ chức chương trình và nhà trường đã tiến hành xem xét mặt bằng tổng thể của thư viện. Bố trí các phòng với diện tích khoảng 65 – 80m2, bên trong được phân chia thành các góc: dân gian, đọc sách, khoa học- trí tuệ, sáng tạo và góc nghe nhìn. Đây là một không gian mở, giúp các cháu thỏa sức vui chơi, thông qua hoạt động chơi để phát triển kỹ năng và trí thông minh.
Mỗi thư viên được chia thành 5 khu vực: Góc khoa học, Góc sáng tạo, Góc văn hóa dân gian, Góc đọc sách và Góc nghe nhìn… tất cả được thiết kế phong phú và sáng tạo với nhiều mô hình bàn học, tranh ảnh, đồ chơi hấp dẫn với trẻ nhỏ.
Các bé thích thú với thư viện đồ chơi. Ảnh: T.T
Đồ chơi tại các thư viện này được thiết kế phù hợp với lứa tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ của trẻ; đảm bảo an toàn với trẻ, thân thiện với môi trường; Có tính giáo dục cao, không khuyến khích các tư tưởng bạo lực và có nội dung không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi trẻ mầm non; Có hướng dẫn sử dụng và cách chơi cho từng loại đồ chơi; Kiểu dáng và màu sắc của đồ chơi phải rực rỡ, đẹp mắt gây được sự hứng thú giúp trẻ phát triển về độ nhạy cảm màu sắc sau này.
Sau khi thư viện của bé được hoàn thiện và đi vào hoạt động, nhà trường sẽ đồng hành cùng các em để hướng đến việc giúp các bé có nhận thức/hiểu biết rõ/sâu về vai trò của đồ chơi/thư viện đồ chơi. Đồng thời, hoạt động này cũng cần có sự đồng thuận trong hội đồng sư phạm. Nhà trường có kế hoạch hoạt động thư viện, có phân công nhiệm vụ, nghiên cứu lồng ghép hoạt động thư viện vào các chủ đề giáo dục; Chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp tổ chức thư viện và báo cáo hoạt động của thư viện định kỳ.
Những cuốn sách xinh xắn, những câu chuyện sinh động hấp dẫn đầu tiên đến với trẻ như một đồ chơi đặc biệt. Trong quá trình tương tác với sách, trẻ được hoạt động, được nghe và tập kể lại những câu chuyện thú vị. Từ đó, đọc sẽ được sẽ được hình thành, trở thành nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ và dần dần tình yêu với sách, thích đọc sách, ham đọc được hình thành.
Kinh nghiệm đọc của trẻ càng phong phú càng có lợi cho việc học của trẻ sau này, vì thế cần cố gắng tạo thói quen đọc cho trẻ từ sớm. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.
Zhi Shan Foundation là tổ chức phi Chính phủ do một nhóm người có tâm huyết trong và ngoài lãnh thổ Đài Loan đồng tâm hiệp lực thành lập ngày 24/6/1995. Trên tinh thần tình thương không biên giới và tôn trọng văn hoá bản địa, Zhi Shan Foundation đã và đang tiến hành các dự án hỗ trợ về giáo dục, y tế và phát triển cộng đồng với nguyện vọng rằng bằng hành động của mình sẽ góp phần đưa nhân loại xích lại gần nhau hơn./.
Nguồn: Tạp chí Thông tin và Truyền thông
Link bài viết: https://bitly.com.vn/zb9tbq